THAM QUAN THAI LAN

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2009

Châu chấu, Blog và quảng bá du lịch quốc gia

Thứ bảy, ngày 26 tháng mười hai năm 2009
Châu chấu, Blog và quảng bá du lịch quốc gia
Những người làm quảng bá du lịch cho Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng truyền thông số để tìm ra những giải pháp tiếp thị sáng tạo cho đất nước mình - Nhà tư vấn tiếp thị số Ian Fenwich nhận định.
Ian Fenwick là tác giả cuốn sách Tiếp thị số mới được NXB Tri Thức và VNN Publishing cho ra mắt tại Việt Nam. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với tác giả nhân dịp ông sang Việt Nam làm diễn giải chính trong Hội thảo quốc tế về Tiếp thị số được tổ chức tại Hà Nội, ngày 15/12 vừa qua.


Tiếp thị số là hoạt hoạt động tiếp thị sử dụng các kênh kỹ thuật số như Websites, mạng xã hội, email, mobile, game, IPTV... Một lĩnh vực rất rộng và khái quát, ông có thể mô tả một ví dụ cụ thể về tính hiệu quả và sáng tạo của loại hình này?

Tôi lấy ví dụ về một chiến dịch marketing cực kỳ thành công ở Mỹ vào tháng 5 vừa rồi có tên "Grasshoppers" (Châu chấu).

Có một công ty nhỏ ở Mỹ chuyên cung cấp dịch vụ điện thoại cho doanh nghiệp nhỏ, họ quyết định đổi thương hiệu thành Grasshopper.

Họ đã tìm một trang trại nuôi châu chấu sạch và mua 25.000 con châu chấu. Họ nướng châu chấu rồi bọc bên ngoài bằng một lớp vỏ chocolate xanh có hình dạng như con châu chấu. Công ty này cho 5 con châu chấu vỏ chocolate vào mỗi túi nhỏ và sau đó gửi 5.000 túi như vậy cho 5.000 blogger nổi tiếng và những người có ảnh hưởng nhất nước Mỹ.

Đa số tất nhiên không dám ăn chúng nhưng món quà quá kỳ lạ đến nỗi họ đều phải viết về nó trên blog của mình, buôn chuyện về nó ở khắp nơi, đẩy các đoạn video ăn châu chấu lên youtube. Các kênh truyền hình và báo chí thấy chuyện lạ cũng thi nhau đưa tin.

Đó là một chiến dịch tiếp thị thông minh và sáng tạo đến nỗi trong thời gian ngắn và chi phí tối thiểu đã thu hút được sự chú ý của dư luận. Họ đã biết tấn công vào giới blogger.


- Đó là một giải pháp để quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp, còn ở tầm quốc gia thì sao?

Tháng 1 vừa rồi, tôi được mời làm diễn giả chính ở một hội thảo ở Toronto, Canada có chủ đề: "Làm thế nào để quảng bá địa điểm du lịch bằng truyền thông số."

Cũng theo thông tin từ hội thảo, thành phố Montreal ở Canada đã dành 100% ngân sách quảng bá cho lĩnh vực truyền thông số chứ không tốn tiền vào những phương tiện truyền thống cũ như quảng cáo truyền hình hay tạp chí nữa.

Đó là một trường hợp có vẻ cực đoan nhưng tôi cho rằng tương lai của quảng bá du lịch sẽ chuyển dịch toàn diện về hướng truyền thông số.

Những trang mạng hướng dẫn và bình luận về địa điểm du lịch như tripadviser.com ngày càng trở nên phổ biến. Hầu hết khách du lịch ở Mỹ và Châu Âu sẽ không đi du lịch mà không đọc trước những bình luận đó trên mạng. Theo số liệu từ hội thảo, 40-50% khách du lịch đã đặt trước khách sạn, vé máy bay... trên mạng.

- Chúng tôi đang rất quan tâm tới việc tận dụng truyền thông số để quảng bá thương hiệu và hình ảnh quốc gia như một điểm đến du lịch hấp dẫn, ông sẽ tư vấn gì cho cơ quan du lịch Việt Nam để có thể thực hiện điều đó?

Bước đầu tiên phải có một website thực sự hấp dẫn, thú vị và sáng tạo, thể hiện được tất cả những đặc điểm độc đáo nhất của đất nước.

Đặc biệt quan trọng là hệ thống tìm kiếm trong trang web này phải thật sự tốt để người xem có thể tìm thông tin dễ dàng.

Bước thứ hai, các bạn phải tiến hành một chiến dịch tiếp thị qua các công cụ tìm kiếm trên mạng. Để khi giả sử tôi muốn tìm kiếm một nơi thú vị ở Châu Á cho kỳ nghỉ, những thông tin về Việt Nam hoặc một địa điểm nào đó của Việt Nam phải hiện ra ngay lập tức.

Rất quan trọng nếu bạn có thể khiến các blogger vào cùng tham gia. Bạn biết là bây giờ đa số đều đọc blog, rất nhiều người viết blog và tất nhiên phần lớn trong đó không nhận đồng nào khi viết. Tuy vậy, họ có ảnh hưởng và sức mạnh rất lớn. Hãy nghiên cứu và học hỏi từ chiến dịch châu chấu mà tôi đã nói ở trên.

- Website chính thức để quảng bá du lịch thì Việt Nam cũng có nhưng chất lượng chưa đạt yêu cầu. Ông hãy cho biết một vài gợi ý để nâng cao chất lượng của chúng?

Các bạn cần xây dựng một cơ sở dữ liệu những người thật sự quan tâm tới Việt Nam hoặc một địa điểm nào đó trên đất nước các bạn.

Có thể thực hiện điều đó bằng cách lập một website cho phép tải về mọi thông tin du lịch cần thiết hoàn toàn miễn phí. Nhưng khi họ tải về thì phải đăng ký, khai một số thông tin cá nhân và đồng ý nhận thông tin từ bạn.

Quan trọng nhất là những thông tin đăng ký của họ cho ta biết nhân thân của họ, họ có con cái chưa, họ bao nhiêu tuổi, họ thích điều gì.
Ví dụ, họ quan tâm đến nghệ thuật và ở địa điểm du lịch lại đang diễn ra một triển lãm nghệ thuật lớn. Vậy bạn có thể gửi email cho họ với lời chào mời đã được cá nhân hóa để phục vụ chính du khách đó. Những gì đã được cá nhân hóa bao giờ cũng tạo ra sự khác biệt rất lớn.

- Ưu điểm của tính chất cá nhân hóa của tiếp thị số so với phương pháp truyền thống là gì?

Vấn đề ở đây là tiếp thị theo cách truyền thống chỉ hướng tới đối tượng đại chúng.

Nếu các bạn quảng bá bằng một TVC trên CNN, các bạn chỉ gửi đi một thông điệp chung chung cho đại chúng.

Nhưng khi thực hiện tiếp thị số, tôi có thể gửi một thông điệp riêng cho người đã có gia đình, người có họ hàng ở Việt Nam, người đã về hưu, người quan tâm đến nghệ thuật, thậm chí là người thích giúp đỡ người nghèo ở Việt Nam. Tôi có thể gửi đến họ một thông điệp đã được cá nhân hóa và điều đó tạo nên hiệu quả lớn hơn so với tiếp thị truyền thống.

Quan trọng nhất là bạn cần biết cách xây dựng cơ sở dữ liệu một cách thông minh để biết nên gửi cho ai với nội dung nào.

- Có một cách thức nào sáng tạo hơn không để có thể tạo ra sự thu hút bùng nổ trong thời gian ngắn?

Trường hợp của bang Queensland của Úc chẳng hạn là một trường hợp ứng dụng tiếp thị số thành công điển hình.

Họ đưa ra một giải thưởng rất lớn cho một cuộc thi làm video clip, giải thưởng lên tới 150.000 đôla Úc để người thắng cuộc đủ tiền sống và vui chơi ở đảo Queensland trong vòng 6 tháng.

Tham dự cuộc thi, bạn phải làm một đoạn video một phút giải thích tại sao bạn lại nên được chọn và bạn đẩy đoạn video đó lên trang web của họ.

Và đã có tới 35.000 người trên toàn thế giới tham gia cuộc chơi này và đương nhiên có 35.000 đoạn video trên mạng. Trong các đoạn clip đó, mọi người trên khắp thế giới nói tại sao họ lại muốn tới sống ở Queensland và những đoạn clip đó sẽ mãi mãi ở trên mạng. Đó chính là một khối lượng khổng lồ những clip quảng cáo cho bạn.

Quan trọng hơn, do cuộc thi này là sự kiện khác thường, nó đã thu hút sự chú ý của rất nhiều tờ báo và đài truyền hình trên thế giới, họ đã đưa tin miễn phí cho bạn.

Mọi chuyện thành công ngoài dự kiến ngoại trừ ngày cuối cùng trong hạn nộp bài thi, có tới 7.000 người cố gắng đẩy đoạn video của họ lên và trang mạng sập vì quá tải.

Tôi nghĩ trường hợp Queensland là điển hình của một cách làm sáng tạo và độc đáo, nó cho phép khách hàng tham gia trực tiếp và sáng tạo cùng với bạn.

- Điều gì cản trở đối với việc thực hiện tiếp thị qua các kênh số?

Vấn đề khó khăn nhất là đối phó với chuyện bị phê bình. Khi một du khách nào đó than phiền, xu hướng của chính quyền ở Châu Á thường là bỏ ngoài tai hoặc cho rằng họ nói nhảm.

Tôi thấy các nước châu Á hay vướng phải tâm lý này. Trong khi đáng ra các bạn cần thật sự quan tâm tới những bình luận của khách du lịch trên các trang mạng đó, bạn phải theo dõi nó thường xuyên.

Nếu có ai đó phàn nàn, bạn phải có câu trả lời cho họ, hãy nói với họ rằng bạn xin lỗi về điều đó, đó chỉ là trường hợp cá biệt và chúng tôi sẽ sửa chữa, khắc phục bằng cách nào đó.

Những người khác khi xem lại bình luận đó sẽ không chỉ thấy vấn đề mà đã thấy cả giải pháp, họ sẽ rất hài lòng.

Vấn đề không chỉ là quảng bá bằng những phương tiện số, vấn đề còn là theo dõi chặt chẽ và hồi đáp với một thái độ chân thành và trách nhiệm.

Nhiều người nói tiếp thị số hiệu quả không phải là tiếp thị. Tiếp thị số hiệu quả là nói sự thật và phản hồi đầy đủ với những người quan tâm.

- Hiệu quả của tiếp thị số so với tiếp thị truyền thống bằng quảng cáo trên truyền hình hay tạp chí như thế nào, theo ông?

Tôi không bao giờ nghi ngờ rằng hiệu quả của tiếp thị số sẽ lớn hơn nhiều so với tiếp thị truyền thống.

Tôi không nghĩ rằng cách làm những TVC quảng cáo phát trên CNN như một số quốc gia Châu Á đang làm hiện nay có hiệu quả.

Tôi nghĩ không nên bắt chiếc hoàn toàn ai cả trong không gian số này, nhưng các bạn có thể ngồi lại với nhau để tìm ra những giải pháp tiếp thị sáng tạo cho đất nước mình.



Ian Fenwick là nhà tư vấn tiếp thị quốc tế và đào tạo quản trị kinh doanh nhiều kinh nghiệm . Ông từng là giám đốc chương trình MBA hàng đầu Canada tại trường Kinh tế Schulich. Hiện ông là nhà tư vấn cao cấp của Viện quản trị kinh doanh Sasin thuộc Đại học Chulalongkorn, Thái Lan.

Theo Khánh Duy (Tuanvietnam)

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2009

XEM ALBUM ẢNH KỶ NIỆM TỔNG HỢP