THAM QUAN THAI LAN

Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

Bộ Tài nguyên - môi trường họp bàn khởi kiện Vedan, nông dân huyện Cần Giờ nộp đơn khởi kiện

- Theo công văn được Bộ Tài nguyên - môi trường gửi ngày 26-7 thì lúc 8g30 ngày 28-7, Bộ Tài nguyên - môi trường sẽ tổ chức cuộc họp do Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên chủ trì. Nội dung cuộc họp bàn về việc khởi kiện Công ty Vedan ra tòa. Thành phần tham dự cuộc họp gồm: Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện KSND tối cao, TAND tối cao, trung ương Hội Nông dân VN và UBND các tỉnh thành Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM.
Chiều 26-7, lãnh đạo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường) cho biết nội dung cuộc họp sẽ không bàn đến các số liệu, thống kê khoa học xung quanh vụ việc này mà chủ yếu bàn về góc độ pháp lý.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên trước đó cũng khẳng định quan điểm của bộ là Vedan phải đền bù cho người dân. Theo ông Nguyên, khi giải quyết theo hướng đàm phán thỏa thuận không được, quan điểm của bộ ủng hộ việc khởi kiện Vedan ra tòa. Riêng trách nhiệm của Bộ Tài nguyên - môi trường, ông Nguyên khẳng định: “Bộ sẽ đứng về phía người dân đến cùng, chừng nào Vedan chưa đền bù xong cho người dân thì chúng tôi chưa hết trách nhiệm”.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Trần Văn Cường - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trưởng ban chỉ huy thống kê thiệt hại kinh tế và môi trường vụ Vedan - cho biết hiện 1.255 hộ nông dân đã hoàn thành các thủ tục pháp lý để khởi kiện Vedan ra tòa. Sẽ có 44 luật sư được người dân ủy quyền tham gia tố tụng. Theo đó, ngày 27-7, ban chỉ huy thống kê thiệt hại kinh tế và môi trường vụ Vedan sẽ cùng Đoàn luật sư tỉnh họp lần cuối để rà soát toàn bộ 1.255 hồ sơ của các hộ dân. Sau buổi họp này, 1.255 hồ sơ khởi kiện sẽ được chuyển sang TAND huyện Tân Thành xem xét thụ lý.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu - một trong bốn người đại diện theo ủy quyền của nông dân Cần Giờ, TP.HCM - cho biết ngày 29-7 đơn khởi kiện của người dân bị thiệt hại do ô nhiễm sông Thị Vải sẽ được nộp lên TAND huyện Cần Giờ.
Ông Hậu cho biết hiện đơn khởi kiện, giấy ủy quyền cho người đại diện và hồ sơ kê khai, xác nhận thiệt hại cơ bản đã hoàn tất nên chỉ còn rà soát lần cuối để bảo đảm không có sai sót. “Chúng tôi cố gắng tiến hành thủ tục khởi kiện trong thời gian sớm nhất, không đợi đến lúc gần hết thời hiệu và càng không chờ đợi việc Vedan có đổi ý, chấp nhận bồi thường hơn 45,7 tỉ đồng như yêu cầu của UBND TP hay không” - ông Hậu nói.

  - Vedan trả giá 30 tỉ đồng với dân Đồng Nai
Ngày 26-7, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai xác nhận vừa nhận được thông báo của luật sư đại diện cho Vedan cho hay tổng giám đốc Vedan đã đồng ý và xin đề nghị nâng mức “hỗ trợ” nông dân Đồng Nai từ 15 tỉ lên 30 tỉ đồng.




Cuộc sống của nông dân huyện Cần Giờ (TP.HCM) ngày càng khó khăn từ khi Vedan xả thải ra sông Thị Vải làm ô nhiễm môi trường. Giờ đây họ chỉ còn biết trông chờ vào sự phán xét công minh của tòa án - Ảnh: Minh Đức



Nông dân Hoàng Văn Tứ (xã Long Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai) bức xúc khi Hội Nông dân Đồng Nai đặt ra việc thương lượng và nhận tiền hỗ trợ của Vedan - Ảnh: HÀ MI
Và mức giá này nằm trong trường hợp nhất trí phương án hỗ trợ thiệt hại. Thông báo này cũng nêu “kính mong nhận được sự phúc đáp của quý cơ quan nhằm giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng”. Đây là lần thứ tư Vedan nâng mức hỗ trợ sau khi ba lần đưa ra mức 3 tỉ, 7 tỉ và 15 tỉ đồng.
Cùng ngày, ông Trần Văn Quang - phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai - đã có tờ trình gửi thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai xem xét và cho ý kiến chỉ đạo về yêu cầu của Vedan nâng mức hỗ trợ 30 tỉ đồng. Hội cho hay hiện chưa thể trả lời gì thêm và chờ Tỉnh ủy chỉ đạo.
Vedan sợ bị thiệt
Ông Nguyễn Văn Ngẫu, chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Thành, cho biết: “Dứt khoát nông dân không đồng ý 30 tỉ. Đây là lần thứ tư Vedan đưa ra mức hỗ trợ và kéo dài thời gian. Lần thứ ba họ đã đưa ra 15 tỉ để hỗ trợ cho bốn xã bị thiệt hại do ô nhiễm nhưng có một số hộ dân không hiểu cứ tưởng 15 tỉ là hỗ trợ cho một xã. Vì vậy sau khi họp các ngành lãnh đạo huyện Long Thành vừa đề nghị căn cứ theo văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai phải đòi Vedan bồi thường cho nông dân gần 120 tỉ”.
Trả lời phóng viên Tuổi Trẻ vì sao phải nâng mức hỗ trợ lắt nhắt nhiều lần và bây giờ hứa hỗ trợ 30 tỉ đồng, luật sư Hoàng Như Vĩnh - đại diện pháp lý của Vedan - giải thích: “Bây giờ chúng tôi quá mệt mỏi nên muốn giải quyết vụ việc cho dứt điểm. Nếu kéo dài sẽ không có lợi cho tất cả và cũng sẽ thiệt hại cho Vedan. Mức 30 tỉ là con số chúng tôi đưa ra sau khi người dân ở vùng thiệt hại có ý kiến với Hội Nông dân Đồng Nai”.
Về việc sắp tới có nông dân không chịu hỗ trợ mà kiện Vedan, luật sư Vĩnh nói trở thành bị đơn là điều mà Vedan hoàn toàn không muốn. Nhưng dân kiện, Vedan trở thành bị đơn thì lúc ấy sẽ xem xét. Trong khi đó, một luật sư ở Đồng Nai nhận định “mức 30 tỉ đưa ra có thể là chiêu tiếp tục cù cưa của Vedan nhằm kéo dài cho hết thời hiệu khởi kiện”.
Coi chừng Nhà nước và nông dân không kiện được
Bàn câu chuyện Vedan nâng mức hỗ trợ lên 30 tỉ đồng cho nông dân Đồng Nai, TS Nguyễn Vân Nam - người giúp nông dân Nguyễn Lam Sơn (xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) kiện Vedan ra tòa - cảnh báo: “Với thỏa thuận này có thể Vedan tìm cách loại bỏ toàn bộ quyền lợi pháp lý của các bên liên quan như Nhà nước và những người dân bị thiệt hại khiến Nhà nước và nông dân bị thiệt hại không kiện được là vô cùng nguy hiểm. Phải lường trước việc thỏa thuận mà Vedan trả tiền lắt nhắt thì cũng không làm gì được. Hơn thế ai sẽ đứng ra ký thỏa thuận hỗ trợ vì Hội Nông dân không được người bị thiệt hại ủy quyền”.
Theo TS Nam, cơ hội thỏa thuận của Vedan còn rất lớn vì sẽ có cơ hội thỏa thuận trong quá trình hòa giải trước tòa. Vấn đề ở đây là Nhà nước và người dân bị thiệt hại phải lưu ý về thời hiệu khởi kiện sắp hết”.
Hiện Sở Tài nguyên - môi trường Đồng Nai xác nhận “Vedan chính thức ký biên bản sai phạm do thanh tra Bộ Tài nguyên - môi trường lập vào ngày 19-9-2008”. Tuy nhiên, hiện nay cũng có hai quan điểm khác nhau về thời hiệu khởi kiện dựa vào ngày đại diện Vedan ký vào biên bản vi phạm thừa nhận sai phạm hay biên bản của Vedan thừa nhận mình gây thiệt hại và chấp nhận hỗ trợ 15 tỉ đồng trước đó.
TS Nam khẳng định phải lấy ngày mà thanh tra Bộ Tài nguyên - môi trường lập biên bản vi phạm hành chính để xác định thời hiệu khởi kiện. Vì với biên bản được lập đó người dân biết được rằng Vedan đã xâm phạm quyền lợi của họ. Như vậy ngày cuối cùng hết thời hiệu khởi kiện là 19-9-2010.
Gấp rút, “không khoan nhượng, thỏa hiệp”
Trong ngày 26-7, ông Ao Văn Thinh - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - đã ký công văn hỏa tốc gửi Hội Luật gia tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, TAND tỉnh, giám đốc Sở TN-MT, chủ tịch UBND các huyện Long Thành, Nhơn Trạch yêu cầu hướng dẫn người dân hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch đòi Vedan bồi thường thiệt hại. Công văn nhấn mạnh phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân bị thiệt hại. Tỉnh không khoan nhượng, không thỏa hiệp trước những hành vi cố ý, làm trái, gây thiệt hại đến đâu thì phải bồi thường đến đó. Trường hợp gây thiệt hại nặng cho người dân thì phải bồi thường, trường hợp gây ảnh hưởng đến đâu thì phải hỗ trợ đến đó.
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Hội Luật gia, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai thành lập tổ công tác tại hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch để hướng dẫn người dân lập hồ sơ, chứng cứ liên quan để yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại. Đối với những người dân lựa chọn hình thức khởi kiện tại tòa án để đòi bồi thường thiệt hại, giao Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai hướng dẫn, giúp đỡ về thủ tục khởi kiện.
Trường hợp người dân lựa chọn hình thức thương lượng, giao Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ người dân hoàn chỉnh các hồ sơ liên quan, đồng thời làm đại diện cho người dân nếu được người dân ủy quyền để tiến hành thương lượng, yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại...
UBND tỉnh Đồng Nai cũng đồng ý cho tạm ứng từ nguồn kinh phí quỹ bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai làm kinh phí cho tổ công tác. Riêng kinh phí thực hiện lập hồ sơ khiếu kiện, đề nghị TAND tỉnh xem xét việc miễn, giảm án phí đối với những hộ dân thuộc diện khó khăn theo quy định.
HÀ MI

XEM ALBUM ẢNH KỶ NIỆM TỔNG HỢP