THAM QUAN THAI LAN

Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010

Xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam - Bắt đầu từ gốc

Ông Trần Quốc Thái, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Nguyên Thanh, đang phát biểu tại buổi tọa đàm "Tạo giá trị gia tăng cho hàng nông sản, giải pháp nâng sức cạnh tranh".
Nhãn lồng Hưng Yên nổi tiếng cả nước và ngày xưa được chọn làm trái cây “tiến vua”. Trong một lần dự hội thảo về bảo vệ thương hiệu do chính quyền địa phương tổ chức, nhiều người tham dự mới biết nhãn lồng Hưng Yên có hai loại chính. Loại trái ngọt thì nhiều nước, còn loại ít nước thì lại giòn và ít ngọt. Về thời gian bảo quản, người trồng nhãn chỉ biết áng chừng khoảng 2-3 ngày gì đó. Kể lại những thông tin trên tại buổi tọa đàm “Tạo giá trị gia tăng cho hàng nông sản, giải pháp nâng sức cạnh tranh” do Câu lạc bộ Xây dựng thương hiệu nông thủy sản Việt Nam, trực thuộc Saigon Times Club, tổ chức hôm 18-1, bà Lê Thị Minh Trang, Trưởng phòng Chất lượng Metro Cash & Carry, than phiền: “Làm sao có thể mua nhãn lồng mà hôm nay thì ngọt mai lại không ngọt. Rồi nhân viên siêu thị sẽ trả lời sao nếu người mua hỏi giữ nhãn được trong bao lâu?”. Hơn nữa, bà Trang nói tiếp, nông dân mình trồng cây chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền miệng hơn là kiến thức khoa học. Những tập quán sản xuất như vậy nếu không thay đổi thì nông sản Việt Nam rất khó “hội nhập”.
Tuy nhiên, theo bà Trang, cái khó lớn nhất trong sản xuất của nông dân chính là ở quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán. “Chúng tôi muốn tìm một khu đất có diện tích lớn, trồng chuyên canh và chủ đất có kiến thức để áp dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch EUROGAP của châu Âu nhưng tìm mãi chẳng ra”, bà Trang dẫn chứng.
Nhu cầu tiêu thụ rau quả trong nước và thế giới đang tăng cao nhưng kèm theo đó là những yêu cầu cao. Trong khi đó, thực trạng sản xuất trong nước lại còn quá nhiều bất cập.
Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Trung Nguyên, giải pháp căn cơ để gia tăng giá trị cho hàng nông sản Việt Nam là phải tổ chức lại sản xuất. Ông Đoàn Đình Hoàng, Giám đốc Công ty Masso Consulting, chuyên tư vấn xây dựng thương hiệu, tiếp thêm rằng gốc rễ của vấn đề là từ khâu quy hoạch, nơi nào trồng cây gì cho phù hợp, ai đảm trách cung ứng giống tốt, liên kết và hỗ trợ nhau giữa nông dân và doanh nghiệp như thế nào. Hiện nay, theo ông Hoàng, việc tìm giá trị gia tăng qua chế biến và xuất khẩu, dựa vào kim ngạch xuất khẩu để chấm thành tích chỉ là phần ngọn.
Ngoài ra, một vấn đề cũng đáng quan tâm là quá nhiều doanh nghiệp trong nước chỉ chăm chăm vào xuất khẩu mà quên rằng nhu cầu tiêu thụ nông sản của 80 triệu dân trong nước cũng tăng, cả về số lượng, chất lượng cũng như độ an toàn của nông sản. Ông Hoàng cho rằng: “Chỉ cần chiếm lĩnh được thị trường nông sản nội địa cũng đã quá tuyệt vời chứ chưa nói tới xuất khẩu”.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Minh Thành, Giám đốc Công ty Biofarm, dẫn chứng : nhiều người say sưa với thông tin Việt Nam đang khống chế thị trường xuất khẩu tiêu thế giới, với tỷ trọng hơn 50% lượng hồ tiêu xuất khẩu toàn cầu, nhưng nông dân thì đang “vắt kiệt” cây tiêu để có thành tích trên. Hậu quả là trước đây chu kỳ thu hoạch của cây tiêu kéo dài hơn 20 năm, nay chỉ còn 4-7 năm, rồi dịch bệnh cũng nhiều hơn. Và không chỉ có tiêu. Cà phê bị bệnh ve sầu, lúa bị bệnh vàng lùn xoắn lá. Thực trạng này nói lên khâu sản xuất của chúng ta có vấn đề, sản xuất không an toàn, chạy theo sản lượng.
Ông Trần Quốc Thái, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Phong lan Nguyên Thanh, cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động phong trào “mỗi héc ta đất nông nghiệp cho thu nhập 50 triệu đồng mỗi năm”, vậy mà một héc ta trồng phong lan của ông cho doanh thu 2 tỉ đồng. Nhưng do trong nước không một cơ quan khoa học nào nghiên cứu, lai tạo giống mới nên mỗi tháng ông Thái phải bỏ ra một tuần để sang Thái Lan săn lùng giống mới. Thị trường tiêu thụ phong lan đang rộng mở, người dân đang cần làm đẹp cho ngôi nhà, văn phòng, công sở chứ chưa nói tới xuất khẩu.
Tương tự, bà Võ Mai, Chủ tịch Hiệp hội Trái cây Việt Nam (Vinafruit), cho biết các nhà xuất khẩu trái cây cứ kêu ca không có thị trường nhưng họ quên rằng dù có thị trường xuất khẩu nhưng với cung cách sản xuất hiện nay thì không thể bán được nhiều trái cây ra thế giới. “Cần 100 trái bưởi đồng đều thì có nhưng cần 1.000 trái thì không. Như vậy làm sao xuất khẩu? Thanh long trong nước dư thừa trong khi thị trường EU có nhu cầu lại không xuất được vì thời gian bảo quản trái thanh long quá ngắn. Chẳng ai nghiên cứu tìm cách giải quyết mâu thuẫn này”, bà Mai than phiền.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Vinamit, cho rằng chính các doanh nghiệp phải đi tiên phong trong việc giúp nông dân thay đổi tư duy trồng trọt, bán hàng. Ông dẫn ra trường hợp “chuỗi tiện ích nông nghiệp” mà Vinamit đã làm thành công ở Tây Nguyên. Nông dân vốn thích bán “mão”, bán xô nguyên cả vườn vừa khỏe, vừa tiện lợi. Nếu doanh nghiệp ép nông dân, bắt họ phải phân loại thì sẽ thất bại. Nhưng nếu “nương” theo họ, vừa mua xô, vừa khuyến khích nông dân phân loại với các mức giá mua khác nhau thì sẽ thành công. Như vậy nông dân sẽ dần thay đổi nhận thức trong sản xuất và bán hàng - làm ra sản phẩm chất lượng cao để bán giá tốt - đó cũng là cách để làm gia tăng giá trị nông sản.

Bài đăng trên TBKTSG số 5-2007, ngày 25/1/2007

Không có nhận xét nào:

XEM ALBUM ẢNH KỶ NIỆM TỔNG HỢP